Cà Độc Dược – Đặc Điểm Nhận Dạng Và Những Công Dụng Chữa Bệnh

Trong thế giới thiên nhiên diệu kì, có nhiều loại cây chứa trong mình chất độc nhưng cũng là vị thuốc quý giá chữa nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Cà độc dược là loại dược liệu kì lạ như vậy.

Tên gọi

Cà độc dược còn có tên gọi khác là cà diên, cà lục dược, mạn đà la, hìa kía piếu, sùa tùa….

Có tên khoa học là Datura melel, thuộc họ cà solanaceae.

                                                            Cây cà độc dược

Đặc điểm thực vật

Cà độc dược thuộc họ thảo, cao chừng 1-1,5 m, mọc hàng năm. Toàn thân cây nhẵn, cành non và các bộ phận có lông tơ ngắn. Lá mọc cách, gần ngọn mọc đối hoặc mọc vòng. Phiến lá có hình trứng, rộng chừng 4-9 cm, dài 9-16 cm. Ngọn lá nhọn, mép thường lượn sóng hoặc xẻ 3-4 răng cưa. Mặt lá lúc non có nhiều lông, sau lông rụng dần.

Hoa to, mọc ở kẽ lá, có cuống dài 1-2 cm. Đài hoa có hình ống, 5 gân nổi lên rõ rệt, dài chừng 5-8 cm, rộng 1,5-2 cm. Tràng hoa to, có hình phễu màu tím hoặc trắng.

                                                                     Hoa cà độc dược

Quả có hình cầu, mặt ngoài quả có gai, đường kính khoảng chừng 3cm, quả non có màu xanh, khi già chuyển sang màu nâu. Trong quả có nhiều hạt trứng dẹt, dài khoảng 3 – 5 mm, dày tầm 1mm, cạnh có những vân nổi.

                                                                         Quả cà độc dược

Thời gian thu hái lá vào lúc cây sắp, đang ra hoa (từ tháng 5 – 6 đến hết tháng 9, 10). Hoa thu hái vào các tháng 8, 9, 10. Hạt lấy ở những quả đã chín thường ngả màu nâu.

Phân loại

Căn cứ vào màu sắc của hoa và đặc điểm thân cây, người ra chia ra nhiều dạng cà độc dược. Ở nước ta hiện nay gồm có 3 loại cây cà độc dược:

– Loại 1: Datura metel L. forma alba. Đặc điểm: Cây có hoa trắng, thân màu xanh, cành màu xanh.

– Loại 2: Datura metel L. forma violacea. Đặc điểm: Cây có hoa màu đốm tím và cành thân màu tím.

– Loại 3: Dạng lai của 2 dạng trên.

Phân bố

Cà độc dược là loại cây mọc hoang, có ở khắp nơi trên các đất nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaixia, Ấn Độ, Trung Quốc… Cây thường mọc ở vùng hơi ẩm, đất mùn. Ở nước ta, cà độc dược được tìm thấy nhiều ở các tỉnh như Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Ninh Thuận…

Bộ phận dùng, chế biến

– Hoa (Flos Daturae metelis): Dùng để phơi hay sấy khô.

– Lá (Folium Daturae metelis): Dùng để phơi hay sấy khô (hay dùng nhất).

– Hạt (Semen Daturae metelis): Cũng đem phơi hoặc sấy khô.

Thành phần hóa học

Hầu hết các bộ phận của cây cà độc dược đều có chứa chất alcaloid, trong đó alcaloid chính là chất L – scopolamin (= hyoscin). Bên cạnh đó còn có các chất atropin, norhyoscyamin, hyoscyamin. Hàm lượng chất alcaloid tập trung ở lá 0,10 – 0,60%,  hạt: 0,20 – 0,50%, rễ: 0,10 – 0,20%, hoa: 0,25 – 0,60%, quả: 0,12%.

Hàm lượng chất alcaloid thay đổi tùy theo sinh trưởng của cây và tùy thuộc vào cách trồng trọt chăm sóc, thường cao nhất vào lúc cây ra hoa. Khi quả chín các chất alcaloid di chuyển từ vỏ vào trong hạt. Việc bón phân đạm đã làm tăng hàm lượng chất alcaloid toàn phần. Nếu tỉa bớt cành hay cắt ngọn lượng alcaloid sẽ giảm.

Ngoài alcaloid, trong lá, rễ còn có chất flavonoid, coumarin, tanin, saponin, trong hạt còn có chất béo.

Tác dụng của cà độc dược

Cà độc dược có vị cay, tính ôn, có chứa nhiều chất độc. Từ xa xưa, cà độc dược là thuốc độc mà nhân dân ta đã biết sử dụng từ lâu. Tác dụng của nó giống như chất benladon. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta đã dùng cà độc dược thay thế benladon.

Scopolamin tìm thấy trong cà độc dược có tác dụng ức chế hệ cơ trơn, các tuyến tiết như atropin, làm giãn đồng tử trong thời gian ngắn hơn. Tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương rõ rệt. Vì vậy, người ta thường dùng chất scopolamin trong gây mê, chuyên dùng trong khoa thần kinh để chữa co giật, động kinh, trong bệnh Parkinson.

Cà độc dược được dùng để chữa ho, chữa hen suyễn, làm thuốc để giảm đau trong các trường hợp bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng, làm thuốc chống say sóng, buồn nôn khi đi tàu xe, máy bay, đau quặn ruột hay các cơn đau thắt khác. Ngoài ra, y học cổ truyền dùng cà độc dược chữa các chứng đau cơ, tê thấp cước khí và dùng ngoài đắp vào mụn nhọt giảm đau nhức.

Cách sử dụng cà độc dược

 

Sử dụng hoa hoặc lá cây phơi khô lên, quấn thành điếu thuốc và hút. Bạn cũng có thể phơi khô lá và hoa rồi tán thành bột, sử dụng dần. Đối với người bị mắc bệnh hen, ngày hút 1 – 1,5g trước khi lên cơn hen. Với những người cơ thể suy yếu hay có bệnh nhãn áp cao không nên dùng.

Liều dùng mỗi lần 1-1,5 gram/ngày. Ngoài ra, còn có thể sử dụng ở dạng rượu cho trẻ nhỏ 5 giọt chia làm 2-3 lần/ngày, hoặc 10 giọt/ngày với người lớn.

Về liều dùng cần tuân thủ nghiêm ngặt vì cà độc dược có chứa các chất độc:

Bột lá (được coi là độc bảng A): Dùng cho người lớn chỉ khoảng 0,1g/lần; 0,2 – 0,3g/24 giờ.

Cao lỏng 1/1 (được coi là thuốc độc bảng A): dùng 0,1g/lần; 0,2 – 0,3g/24 giờ

Cao mềm (thuốc độc bảng A): sử dụng 0,01g/lần; 0,03g/24 giờ.

Cồn 1/10 (là thành phần giảm độc bảng A): sử dụng 0,5g/lần; 1 -2 g/24 giờ

Chú ý:

Cây cà độc dược có nhiều chất độc. Vì vậy tuyệt đối không nên sử dụng cho những người cơ thể yếu.

Cây cà có nhiều chất rất độc. Do vậy khi sử dụng phải tuân thủ liều lượng theo sự chỉ định của bác sĩ, không sử dụng với liều lượng cao, dễ gây ngộ độc, có thể nguy hiểm cả đến tính mạng.

Hiện tượng bị ngộ độc có biểu hiện là mờ mắt, tim đập nhanh, giãn phế quản, khó nuốt. Nếu chất độc tác dụng vào hệ thần kinh gây chóng mặt, hôn mê sâu. Khi thấy biểu hiện này phải lập tức đi đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Cách chữa trị: Khi có biểu hiện ngộ độc như vậy, cần loại bỏ chất độc khỏi cơ thể như: gây nôn, rửa dạ dày bằng lá trà xanh, ủ ấm cho cơ thể và giữ yên tĩnh. Có thể dùng thuốc an thần. Phải đo huyết áp thường xuyên.

Khi sử dụng các bài thuốc điều trị bệnh của cà độc dược, chú ý sử dụng đúng liều lượng và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, không tự ý dùng cà để chữa bệnh.

Đối với những người bị bệnh tăng nhãn áp, cao huyết áp, thiên đầu thống không nên sử dụng cà độc dược.

Cà độc dược là loại thuốc quý chữa được nhiều căn bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần hết sức thận trọng để tránh hiểm họa khôn lường do thiếu hiểu biết. Chúc bạn nhanh chóng khỏi bệnh nếu đang sử dụng những bài thuốc từ cây cà độc dược.

dotatloi

Sau mấy chục năm lăn lộn với việc sưu tầm nghiên cứu dược liệu, Đỗ Tất Lợi đã biên soạn được bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam xuất bản đến nay là lần thứ 11. Đây là một công trình nghiên cứu rất có giá trị ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trên cơ sở cuốn sách này, năm 1968 Hội đồng chứng chỉ (khoa học) tối cao Liên Xô đã công nhận học vị Tiến sĩ khoa học cho dược sĩ Đỗ Tất Lợi. Năm 1983, tại Triển lãm hội chợ sách quốc tế Matxcơva, bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam được bình chọn là một trong bảy viên ngọc quý của triển lãm sách.

Bài viết liên quan