

Cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt, rau bina, bố xôi, bắp xôi… là một loài thực vật có hoa thuộc họ Dền, chứa nhiều vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Đặc điểm của rau cải bó xôi
Cải bó xôi hay còn gọi là rau chân vịt, rau bina, bố xôi, bắp xôi… là một loài thực vật có hoa thuộc họ Dền, có nguồn gốc ở miền Trung và Tây Nam Á. Cải bó xôi là cây thân thảo, có dáng thân đứng trường cao khoảng 5 – 10cm, lá có đặc điểm không cuống, hình bầu dục, hoa đơn độc được mọc ở nách lá cuống, nhẵn đài.
Đây là loài cây rất ưa thích khí hậu mát lành, chịu được rét, không chịu nóng – là cây rau ở xứ lạnh. Cây sinh trưởng tốt từ 18 đến 20 độ C và sinh trưởng chậm ở 10 độ C. Loài rau này thậm chí có thể chịu được nhiệt độ xuống tới -10 độ C.
Rau cải bó xôi chứa nhiều vitamin thiết yếu đối với cơ thể: A, K, D, E và một loạt các khoáng chất khác nhau như canxi, sắt, magiê, natri, … Trong rau cải bó xôi, nước chiếm 91,4%, carb chiếm 3,6% và protein chiếm 2% trọng lượng. Ngoài ra, đây còn là một nguồn axit béo thực vật omega 3 dồi dào.
Cải bó xôi chứa hàm lượng cao chất carotenoid, vitamin C, vitamin K, axit folic, sắt và canxi
Cải bó xôi thường được biết đến như một vị thuốc phổ biến trong Đông Y.
Với thành phần dinh dưỡng phong phú, cải bó xôi vẫn luôn là một loại rau lành tính và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nó đã được chứng minh là giúp giảm stress oxy hóa, cải thiện sức khỏe của mắt, hỗ trợ phòng chống ung thư và điều hòa huyết áp.
- Giảm stress oxy hóa: Rau cải bó xôi đã được chứng minh là làm giảm stress oxy hóa. Các chất chống oxy hóa trong nó có thể giúp chống lão hóa, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và tiểu đường.
- Sức khỏe cho đôi mắt: Trong cải bó xôi có hàm lượng zeaxanthin và lutein trong rau cải rất cao. Các loại sắc tố này cũng chứa nhiều trong mắt người, có tác dụng bảo vệ mắt khỏi những thiệt hại do ánh sáng mặt trời gây ra. Vì vậy, một cách tự nhiên, cải bó xôi có khả năng ngăn chặn sự thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể, phòng chống mù lòa.
- Chống ung thư và chống viêm: Trong rau cải bó xôi có chứa hơn 10 hợp chất flavonoid khác nhau có chức năng như chất chống viêm và chống ung thư, đặc biệt là hai hợp chất MGDG và SQDG giúp làm chậm quá trình phát triển của ung thư. Theo kết quả từ một nghiên cứu, các hợp chất này có khả năng kìm hãm sự tăng trưởng và làm giảm kích cỡ của các khối u trong cổ tử cung ở người. Một số nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng ăn rau cải bó xôi có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ngăn ngừa ung thư vú.
- Ổn định và điều hòa huyết áp: Cải bó xôi chứa hàm lượng cao hợp chất nitrat – hợp chất đã được chứng minh là giúp điều hòa, ổn định huyết áp và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Ngoài những công dụng kể trên, cải bó xôi còn có những tác dụng cải thiện sức khỏe tuyệt vời khác như hạn chế béo phì, giúp xương chắc khỏe và phòng chống nguy cơ bị hen suyễn.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau cải bó xôi
Cải bó xôi vẫn thường được coi là một loài thực vật lành tính, tuy nhiên trong một số trường hợp nó cũng có thể tác động không tốt đến cơ thể con người.
Sỏi thận: Nguyên nhân dẫn đến sỏi thận là do sự tích tụ muối khoáng và axit. Loại hay gặp nhất là sỏi canxi, thường chứa canxi oxalat. Trong khi đó, cải bó xôi giàu cả canxi và oxalat. VÌ vậy, những người có nguy cơ phát triển sỏi thận không nên ăn nhiều cải bó xôi.
Máu đông: Rau cải bó xôi chứa khá nhiều vitamin K1. Vitamin K1 đảm nhận một số chức năng trong cơ thể nhưng chủ yếu được biết đến với vai trò thiết yếu trong quá trình làm đông máu. Những người đang sử dụng các loại thuốc làm loãng máu như warfarin cần theo dõi chặt chẽ lượng vitamin K được tiêu thụ hoặc tránh hoàn toàn các loại lá xanh, bao gồm cả cải bó xôi.
Với thành phần dinh dưỡng phong phú, cải bó xôi là một loại rau lành tính và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Một số món ăn chế biến từ rau cải bó xôi
Chữa thiếu máu, khí huyết hư, suy nhược
Bài 1: Luộc hoặc nhúng nước sôi cải bó xôi rồi đem nấu canh với thịt lợn nạc hoặc gan lợn, trứng gà, …
Bài 2: Cải bó xôi 700g, nhân sâm 5g, thịt lợn 500g, bột mì 3kg, gừng tươi, hành, hạt tiêu, xì dầu, muối vừa đủ. Giã nát lá cải, đổ thêm ít nước rồi đánh áp lấy nước để sẵn. Nhân sâm tán bột rây mịn. Băm vụn thịt lợn, nêm muối, xì dầu, bột hạt tiêu, bột gừng rồi trộn đều, hòa nước khuấy đều tay. Trộn cùng hành và nhân sâm để làm nhân bánh. Đổ nước cải bó xôi vào bột mì nhào kĩ, nắm bột với nhân bánh. Luộc chín bánh.
Chữa trĩ, táo bón, ngứa:
Tiết lợn 250g luộc chín kĩ, thái lát rồi cho lại vào nước luộc cùng 500g cải bó xôi, nêm gia vị rồi nấu thành canh.
Món ăn chế biến từ cải bó xôi
Bổ âm, dưỡng huyết, trị tăng huyết áp
Bài 1: 300g cải bó xôi nhúng nước sôi vắt ráo nước, giã nhuyễn 25g gừng, 10g hành tỉa hoa, 10g xì dầu, 10g dầu vừng, 5g tỏi, muối vừa đủ. Cho tất cả vào trộn đều, ngày ăn 2 lần với cơm.
Bài 2: Cải bó xôi và sứa biển rửa sạch nhúng nước sôi 2 – 3 phút rồi vớt ra. Cho cả hai vào dầu vừng, thêm ít muối và gia vị, trộn đều để ăn.
Chống lão hóa tế bào, còi xương, suy nhược cơ thể
Chuẩn bị 200g cải bó xôi, 150g nghêu, 30g khoai mỡ tím, 30g bí đỏ, 100g củ sen. Rau cải rửa sạch, khoai mỡ, bí đỏ xắt hạt lựu hoặc xay nhuyễn. Nghêu luộc vừa tách vỏ, lấy thịt, thêm 1/3 muỗng bột nêm. Rửa sạch củ sen, hầm trong 500ml nước đến khi còn 300ml nước thì cho thêm bí đỏ, khoai mỡ và thịt nghêu vào hầm chung, thêm 3g đường phèn. Cho cải bó xôi vào vừa chín trong 150ml nước. Ăn 1 lần trong buổi tối trước khi ngủ. Ăn liên tiếp trong 10 ngày.
Ít calo, giàu chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng, rau cải bó xôi được khác nhà khoa học và các chuyên gia đánh giá là một trong những thực phẩm tốt nhất trong số các loại rau. Nến bạn muốn sức khỏe được tốt hơn một cách tự nhiên mà không cần phải mất quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc thì cải bó xôi có lẽ sẽ là một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho bạn và gia đình.