Cẩm nang các món ngon chữa bệnh từ ngải cứu

Ngải cứu là loài rau rất thông dụng trong đời sống hàng ngày, bên cạnh chức năng là món rau thì nó còn được coi là một liều thuốc quý trong dân gian. Bài viết này xin được chia sẻ cùng các bạn những món ngon chữa bệnh từ ngải cứu nhé!

Đặc điểm của ngải cứu

Ngải cứu có tên khoa học là Artemisa vulgaris L, thuộc họ cúc Asteraceae. Dân gian còn gọi với cái tên khác như ngải điệp, cây giải cảm, cây thuốc cứu, cây thuốc cao… Đây là loại cây cỏ sống hoang dã ở các mô đất hoang, ruộng đồng lâu năm hoặc vườn trong gia đình. Chúng mọc với nhau thành bụi, thành bãi, có sức lan rất nhanh, sống ở nơi đất ẩm, trồng được bằng cành.

ngải cứu không có cuống, mọc so le nhau, ở 2 mặt của lá là màu xanh khác nhau, mặt trên nhẵn, có màu lục sẫm, mặt dưới màu xanh nhạt hơn, có nhiều lông nhỏ. Cây có chiều cao khoảng 10- 20cm. Cụm hoa hình đầu nhỏ, màu vàng nhạt, mọc tập trung thành từng chùm kép. Vò lá có mùi thơm hắc, vị hơi đắng, nếu là lá non thì có vị ngọt đắng.

Cây ngải cứu

Bộ phận dùng và thu hái

Bộ phận dùng chế biến món ăn hoặc làm thuốc của ngải cứu là thân, lá, ngọn. Thu hái quanh năm khi chưa ra hoa và lúc lá đang tươi tốt. Cắt lấy đoạn thân trên có nhiều lá non đem chế biến tươi hoặc phơi khô hay sấy khô để bảo quản dùng làm thuốc.

Thành phần hóa học:

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ngải cứu chứa tinh dầu Aavonoid, coumarin, các chất sterol. Theo Live and Feel- một trang web về sức khỏe, loại thảo dược này còn chứa glucose, tannis, cholorphyll, axit malic, vitamin B và vitamin C.

Tác dụng của ngải cứu:

Sở dĩ có tên là ngải cứu vì loại rau này có rất nhiều tác dụng, được coi là một vị thuốc nam rất thân thiện với sức khỏe, nó giúp chữa các loại bệnh như: điều hòa kinh nguyệt, an thai, trị mụn nhọt, lưu thông máu lên não. Ngoài ra còn trị các chứng đau đầu, rối loạn tiền đình.

Ngải cứu chứa glucose có tính axit, hỗ trợ việc thải các chất độc có trong gan và túi  mật, giúp trong điều trị bệnh vàng da do suy gan và các rối loạn ở túi mật gây ra. Làm giảm bớt đau bụng, đầy hơi, giúp nhuận tràng và tiêu hóa tốt. Có thể kết hợp với bạc hà để điều trị cúm, sốt và ngộ độc thực phẩm. Chữa lành viết thương, vết bầm tím, vết cắt, bong gân, viêm loét…

Một số món ngon chế biến từ ngải cứu

Trứng ốp rau ngải:

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • Trứng gà: 1-2 quả
  • Rau ngải: 01 bó (chít)
  • Hành: 01 củ
  • Hạt nêm, hạt tiêu
  • Lá chuối: 2 lá

Cách làm:

  • Ngải cứu thái, băm nhuyễn, đem thúc trứng, nêm gia vị, trộn đều.
  • Sau đó đun chảo nóng, đặt lượt lá chuối, đổ nguyên liệu đã chuẩn bị vào, tráng đều, đun nhỏ lửa đến khi se mặt, dùng xỉa đặt vào đĩa. Tiếp tục trải lượt lá chuối mới, úp mặt trên xuống, đun tiếp đến khi rau chín.
  • Có thể cho vào bát sứ hấp cách thủy.
  • Ăn kèm với cơm nóng.

Trị bệnh: Món ăn này rất thông dụng, dễ làm, dùng chữa bệnh đau đầu, hoa mắt chóng mặt, hỗ trợ tiêu hóa, nhuận tràng.

Trứng ốp rau ngải

Gà tần rau ngải:

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • Gà: 01 con được làm sạch (khoảng 1-1,2kg)
  • Ngải cứu: 500g
  • Thuốc bắc: 1-2 gói gia vị thuốc bắc
  • Hạt nêm, gia vị

Cách làm:

  • Gà để cả con, nhồi rau ngải, cho vào nồi áp suất, đổ gia vị thuốc bắc, nêm gia vị, hầm trong khoảng 10 phút.
  • Món gà tần rau ngải rất đơn giản mà ngon miệng, phù hợp với mọi lứa tuổi, là món ăn bổ dưỡng cho cả gia đình.

Trị bệnh: Món ăn này dùng chữa bệnh xương khớp, tẩm bổ cho người bệnh sau phẫu thuật, giúp hồi phục sức khỏe.

 

Gà tần ngải cứu

Trứng vịt lộn hầm ngải cứu:

Nguyên liệu chuẩn bị

·      Rau ngải cứu: 1 bó

·      Trứng vịt lộn 2-3 quả (cho 1 suất ăn)

·      Hạt nêm

Cách làm:

·      Rau ngải rửa sạch, để ráo nước

·      Trứng vịt lộn đem luộc qua

·      Nấu 1 nồi nước dùng vừa phải, đập trứng đã luộc, thả rau ngải, nêm gia vị vừa ăn, đun sôi khoảng 5-10 phút là được.

Trị bệnh: Đây là món ăn rất quen thuộc, giúp tăng chất đạm cho cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh về tim mạch, mất ngủ, bồi bổ cho các bà mẹ sau sinh hoặc đang thời kì mang thai.

 

Trứng vịt hầm rau ngải

Tim lợn hầm rau ngải:

Nguyên liệu chuẩn bị:

·      Ngải cứu: 1 bó

·      Tim lợn: 01 quả

·      Gia vị: hành, tỏi, hạt nêm

Cách làm:

·      Rau ngải đem rửa sạch, để ráo nước, chia làm 2 phần, 1 phần ướp vào tim lợn, 1 phần để bên ngoài.

·      Tim lợn rửa sạch, khứa xung quanh lát dày khoảng 0,6cm. Uớp tim với hành tỏi băm, ½ ngải cứu băm nhỏ, cho hạt nêm và để khoảng 10-15 phút cho gia vị ngấm.

·      Cho tim lợn đã ướp vào nồi, để phần ngải cứu còn lại xung quanh, nêm khoảng 2 bát nước con. Cho vào hầm đến khi tim mềm ra là ăn được.

Trị bệnh: Hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp, tim mạch, bồi bổ cho những người bị bệnh suy tim.

Nấu cháo gà ác rau ngải:

Nguyên liệu chuẩn bị:

·      Gà ác: 01 con từ 500-700g

·      Lá ngải cứu: 1 bó

·      Hạt sen: 100g

·      Gạo nếp: 01 nắm

·      Gừng: 01 nhánh

·      Mắm, hạt nêm, bột ngọt, hành tươi, ngò, hạt tiêu

Cách làm:

·      Gà ác làm sạch, không lấy lòng, rửa sạch với nước muối và gừng tươi.

·      Thái nhỏ ngải cứu, gừng thái chỉ.

·      Hạt sen , ngâm nước, rửa sạch.

·      Gạo vo sạch.

  • Cho lá rau ngải, hạt sen, hạt nêm, gia vị vào bụng gà, lấy tăm ghim lại.
  • Đun một nồi nước sôi khoảng 1,2 lít, thả vào 1 ít gừng đã thái chỉ.
  • Khi nước sôi lên, bạn thả gà đã ướp các gia vị trên vào, vặn lửa nhỏ hầm khoảng 20 phút, cho gạo nếp (hoặc gạo tẻ tùy theo sở thích), hạt sen vào tiếp tục hầm khoảng 45-50 phút nữa.
  • Khi thấy thịt gà và các thành phần trong nồi cháo bắt đầu nhừ, cháo sánh, bạn nêm thêm hạt nêm, bột ngọt cho vừa khẩu vị.
  • Khi tắt bếp, bạn cho thêm hành tươi, ngò, hạt tiêu và múc ra tô.

Trị bệnh: Dùng điều trị bệnh đau dây thần kinh, tẩm bổ cho các bệnh nhân ung thư.

Những điều cần lưu ý khi ăn ngải cứu:

·      Phụ nữ có thai chỉ nên ăn ngải cứu từ 1-2 lần một tuần. Mỗi lần chỉ vài ngọn, không nên ăn quá nhiều dễ dẫn tới sinh non.

·      Người bị bệnh xơ vữa động mạch, sỏi thận, không nên ăn trứng ốp rau ngải.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về những món ăn vừa bổ dưỡng, vừa trị bệnh từ một loại rau rất gần gũi và quen thuộc đối với mỗi chúng ta, đó là rau ngải cứu. Hi vọng các bạn có thêm những kiến thức bổ ích về loại thảo dược này.

Bài viết liên quan