Cây cam thảo và tác dụng chữa bệnh tuyệt vời không phải ai cũng biết

Từ xưa đến nay cam thảo đã được coi như là một vị thuốc đông y quý giúp bồi bổ sức khỏe và điều trị bệnh cho con người. Cam thảo là loại cây như thế nào? Cây cam thảo có tác dụng đối với sức khỏe con người như thế nào, cách sử dụng ra sao?

Giới thiệu chung về cây cam thảo 

Cây cam thảo là gì? Sống ở đâu?

Cây cam thảo còn có tên gọi khác là cam thảo bắc, cam thảo đất, trong Hán Việt, cam thảo còn được gọi là Lộ thảo, Linh thảo, Quốc lão, Mỹ thảo, Mật cam,… Tên khoa học của loại cây này là Clycyrrhiza uralensis hoặc Glycyrrhixa glabra L, thuộc họ cánh bướm Fabaceae.

Cam thảo là loại cây thuốc sống lâu năm, thân cao có thể lên tới 1m hoặc 1.5m, toàn thân có lông rất nhỏ. Vào mùa hạ và mùa thu, cây nở hoa màu tím nhạt, hoa lưỡng tính, có hình cánh bướm dài khoảng 14 đến 22mm. Quả cam thảo có hình lưỡi liềm dài 3-4cm, rộng 6-8cm, có màu nâu đen và có nhiều lông. Quả chín trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 10. Cam thảo có ba loại chính: cam thảo bắc, cam thảo nam và cam thảo dây, trong đó cam thảo bắc được sử dụng phổ biến nhất.

Hiện nay ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc Trung Quốc trồng rất nhiều cam thảo và có chất lượng tốt hơn hẳn những nơi khác. Cây được di thực và trồng nhiều ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng núi như Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu. Ngoài ra, nhiều nơi khác cũng đang được thí điểm trồng loại cây này.

Bởi nguyên nhân dễ thích nghi ở nơi có khí hậu lạnh nên tại Việt Nam, cam thảo bắc có đặc tính rất tốt, chứa hàm lượng chất điều trị bệnh cao.

Hình ảnh hoa cam thảo

Cam thảo được lấy tên như vậy bởi vì cam là ngọt, thảo là cỏ, đây là loại cỏ có mùi đặc biệt, vị dịu ngọt (Theo Dược Tài Học). Phần được dùng làm thuốc của cam thảo là phần rễ hoặc thân rễ (Radix Glycyrrhizae) được phơi hoặc sấy khô. Bộ phận này được cho là có hàm lượng các hoạt tính điều trị bệnh, làm đẹp da tốt nhất trong các bộ phận của cây cam thảo. Cam thảo là loài cây sống lâu năm và có thể thu hoạch quanh năm. Thời gian thu hoạch rễ để chế biến bột cam thảo tốt nhất là vào khoảng tháng 2 đến tháng 8 hàng năm bởi nghiên cứu cho thấy, trong thời gian này, rễ của cây cam thảo tích tụ được các hàm lượng chất cao nhất giúp cho bột cam thảo có thể có chất lượng tốt nhất. Sau khi thu hái rễ của cây cam thảo về thì cắt ra phơi khô để làm thuốc. Đặc biệt, rễ cam thảo được chất đống để lên men làm cho rễ và dây cam thảo có màu vàng sẫm, mùi vị thơm hơn và ngọt hơn.

Tác dụng chữa bệnh của cam thảo

Cây cam thảo là một cây thuốc tuyệt vời và được dùng nhiều trong các bài thuốc đông y. Nó có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe của con người, góp phần hỗ trợ và điều trị nhiều bệnh. Dưới đây là một số công dụng chữa bệnh thần kỳ của cam thảo mà không phải ai cũng biết.

Thân rễ của cây cam thảo

Tác dụng giải độc

Thuốc từ cam thảo có tác dụng giải độc cho nhiều loại chất như cloralhydrate, physostigmin, acetylcholine hay pilocarpin. Cửu bảo Mộc hiến và Tinh kỳ Hòa tử của Nhật Bản đã cho biết chất glycyrizin trong cam thảo có khả năng giải trừ độc của strychnine (năm 1954). Nhiều nhà nghiên cứu khác còn báo cáo khả năng giải độc của cam thảo liên quan đến sự phân hủy của glycirizin thành acid glycuronic. Chất glycyrizin có tác dụng chống lại những hóa chất gây ung thư gan và bảo vệ gan. Chất này còn có khả năng hút các chất độc nhưng lại không có tác dụng với các chất độc atropine, morphin, stibium và có tác dụng yếu đối với ephedrine và adrenalin.

Tác dụng này của cam thảo rất được các chị em phụ nữ yêu thích bởi tác dụng làm đẹp, giúp làn da phụ nữ trở nên săn chắc và mịn màng hơn. Nó còn có công dụng trị nám, tàn nhang, đồi mồi, loại bỏ nếp nhăn và vết thâm nám ở phụ nữ trung niên. Do đó đây là một loại thuốc rất cần thiết cho chị em phụ nữ.

Bột cam thảo có tác dụng làm đẹp

Tác dụng kháng khuẩn

Cồn chiết xuất từ cam thảo và acid glycuronic trong ống nghiệm có khả năng ức chế sự phát triển của các loại tụ cầu vàng, trực khuẩn lao hay trùng roi,… Ngoài ra, cam thảo còn có tác dụng kháng viêm bằng các thành phần chủ yếu là glycyrizin và acid glycuronic. Khi thí nghiệm với chuột Hà Lan, thuốc có tác dụng ức chế với từng mức độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu cho biết có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng tính phản ứng của tế bào đối với sự kích thích.

Tác dụng trị viêm gan

Dùng viên cam thảo glycyrizin để điều trị bệnh viêm gan B mãn tính có kết quả 77% trên tổng số 330 ca. Thực nghiệm chứng minh thuốc có thể làm giảm thoái hóa mở và hoại tử tế bào gan, giúp làm giảm phản ứng viêm của tổ chức gian bào và thúc đẩy tế bào gan tái sinh cũng như hạn chế sự sinh trưởng của tổ chức liên kết, từ đó giảm tỷ lệ xơ gan (Theo thông báo Trung dược năm 1987).

Ngoài ra, cam thảo còn được sử dụng để nâng đỡ chân khí trong cơ thể, giúp chống suy nhược thân thể và loại bỏ hiện tượng mệt mỏi khi sử dụng thuốc, điều trị nứt da và đau bao tử.

Cam thảo- vị thuốc thần kỳ

Lưu ý khi sử dụng cam thảo

Dù có tác dụng rất tốt nhưng chúng ta vẫn nên biết những điều kiêng kị khi sử dụng cam thảo, nếu sử dụng không đúng cách có thể mang đến hậu quả khôn lường.

  • Phần ngọn và thân rễ của cam thảo có tác dụng trị niệu, nhiệt lâm. Nhưng trong trường hợp sau đây, chúng ta nên cẩn trọng khi sử dụng cam thảo: bụng buồn nôn, phù trướng. Trong trường hợp lợi tiểu thấp, thông hạ cần có tác dụng nhanh thì không nên dùng cam thảo hay phối với thảo dược nào khác.
  • Nên chú ý khi phối hợp cam thảo với cam toại. Căn cứ vào tư liệu kết quả nghiên cứu gần đây cho hay lúc phối hợp hai loại với nhau, nếu cam thảo có lượng bằng hoặc ít hơn cam toại thì không có tác dụng tương phản thậm chí còn giảm tác dụng phụ của cam toại, ngược lại, nếu lượng cam thảo lớn hơn cam toại thì sẽ có tác dụng tương phản.
  • Khi dùng cam thảo làm thuốc, nên cho vào 800 ml nước và sắc lấy 200ml nước thuốc, uống 2 lần trong ngày, ngày uống một thang. Còn khi dùng bột cam thảo để làm đẹp, nên cho 3 thìa mật ong rừng, 3 thìa cam thảo và 3 thìa sữa tươi nguyên chất trộn đều lên sau đó đắp mặt nạ một tuần ba lần.

Đó là những thông tin hữu ích và cần thiết cho những người đang dùng cam thảo và có ý định dùng cam thảo. Với những thông tin trên, hy vọng các bạn sẽ tìm được phương pháp tận dụng công hiệu của cam thảo một cách tốt nhất.

Bài viết liên quan