

Nhắc đến lá ngón, người ta nghĩ ngay đến một loại cây giết người. Nhưng đối với y học, nó còn là một loại thảo dược có nhiều công dụng. Vậy tác hại và công dụng của loại cây này như thế nào, mời các bạn đọc bài viết này nhé!
Đặc điểm của cây lá ngón
Cây lá ngón còn có những tên gọi khác là câu vẫn, hoàng đằng, đoạn trường thảo, co ngón, hồ mạn trường, thuốc rút ruột… Đoạn trường thảo thuộc họ mã tiền có tên khoa học là Gelesemiun elegans Benth. Đây là loại cây thân bụi leo, có nhiều cành, thường sống leo dựa vào cây khác.
Thân cây lá ngón hơi có khía dọc. Loài cây này có lá màu xanh, mặt lá nhẵn bóng, hình trứng thuôn dài. Đầu lá nhọn, mọc đối, chiều rộng khoảng từ 2-5cm, chiều dài khoảng từ 6-12cm. Cuống lá hơi tù hoặc nhọn, hoa có màu vàng tươi, xòe ra 5 cánh, hình ống nhỏ. Hoa thường nở từ tháng 6 đến tháng 10, mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành. Qủa hình thon, chứa nhiều hạt.
Cây lá ngón mọc ở đâu?
Cây lá ngón ưa sống ở nơi có khí hậu nhiệt đới hoặc á đới. Chính vì thế mà nó chủ yếu sống ở các vùng trung du của các nước châu Á. Tại Việt Nam, loại cây này chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình… Với đặc tính mọc tự nhiên trong rừng không cần phải chăm sóc.
Ở Trung Quốc, lá ngón thường mọc ở các tỉnh Phúc Kiến, Tứ Xuyên. Người Trung Quốc sử dụng lá ngón để chữa bệnh hủi (phong) hoặc bệnh nấm tóc, cũng dùng chế biến để đầu độc. Loại cây này còn xuất hiện cả ở vùng Bắc châu Mĩ. Ở nước ta chưa có công trình nào chế biến lá ngón thành thuốc.
Phân loại cây lá ngón
Có 2 loại lá ngón, lá ngón hoa vàng và lá ngón hoa trắng. Lá ngón hoa vàng là loại cực độc, còn lá ngón hoa trắng lại được coi là đặc sản ở vùng núi Lai Châu. Đến với những phiên chợ vùng núi này, bạn sẽ dễ dàng được nhìn thấy đặc sản lá ngón được bày bán như rau ở các sạp ven đường. Đối với người Thái trắng ở Mường Xo, món lá ngón xào tỏi là món ăn được coi là “tuyệt phẩm”. Tuy nhiên trước khi ăn hoặc mua nó, bạn phải chắc chắn là không có độc.
Lá ngón có đặc điểm rất giống với chè vằng, nên khi thu hái các loại dược liệu trong rừng khuyến cáo mọi người phải hết sức cẩn thận. Cây chè vằng có lá giống lá ngón nhưng hoa màu trắng, lá có 3 gân nổi rõ trên bề mặt. Nếu không chắc chắn phân biệt được thì không nên hái. Vì có nhiều người vô tình ngộ độc lá ngón mà mất mạng.
Lá ngón hoa vàng
Lá ngón hoa trắng ở Mường Xo
Thành phần hóa học:
Những nhà nghiên cứu ở Bắc châu Mỹ đã chiết ra được alcaloid từ cây lá ngón với các dược chất: gelsemin (C22H22O2N2), gelmicin(C19H16O4N2), sempervirin(C19H16N2), kumin(C20H22ON2).
Các nhà khoa học Trung Quốc thì chiết được từ loại cây này các alcaloid gồm kumin, kuminin, kuminicin, kumidin. Trong đó, kumin là alcaloid chính. Riêng kuminicin là chất có tác dụng chủ yếu đồng thời cũng là chất cực độc gây chết người. Sau đó phân lập được gelsemin, ngoài ra họ còn tìm thấy sempervirin. Kuminin, gelsemin có trong cành và lá, các chất tan trong nước là kuminicin, sempervirin.
Năm 1936, nhà khoa học F. Guichard đã nghiên cứu cây lá ngón mọc ở Việt Nam và chiết được kumin từ vỏ thân, lá, rễ cây. Còn thấy kumin cả trong quả và trong hạt của nó. Khi soi dưới ánh đèn tử ngoại còn thấy một chất có huỳnh quang không tan trong các acid và ghi là chất thuộc nhóm esculetin. Đến năm 1953, nhà nghiên cứu M.Janot tìm thấy gelsemin ở lá, kumin ở thân, rễ và sempervirin ở các bộ phận khác của cây sống tại nước ta.
Năm 1977, Hoàng Như Tố và những người cộng sự của ông (theo tài liệu tham khảo của Cục quân y II- 1977) đã tiến hành thí nghiệm lại công trình nghiên cứu của M. Janot đối với cây lá ngón mọc ở Việt Bắc nước ta. Kết quả là các nhà nghiên cứu đã nhận thấy lá có chứa gelsemin, rễ có kumin, còn chưa xác định được rõ ràng kumindin và semperverin.
Tác hại và tác dụng của lá ngón
- Tác hại:
Trong lá ngón có chứa chủ yếu là hoặt chất alkaloid, là một loại độc tố nguy hiểm, độ độc được giảm dần theo thứ tự từ rễ, lá, hoa, quả, đến thân cây. Loại độc tố này ngấm rất nhanh, chỉ cần ăn 3 lá là đủ chết người, chỉ mất khoảng 3-5 phút qua đường tiêu hóa, có thể gây tử vong trong vòng từ 1-7 tiếng.
Những người sống khu vùng đồi núi, trung du, khi có ý định tự tử thường tìm đến lá ngón. Biểu hiện ngộ độc lá ngón là cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, đau dữ dội ở họng và dạ dày. Nhỏ nước dãi, giãn đồng tử, giãn cơ tim, hô hấp kém, tim đập nhịp yếu, nhát ngừng. Nếu không may bị ngộ độc loại lá này cần giải độc bằng cách uống mỡ lợn hoặc dầu lạc, có thể dùng dịch chiết của rau má và rau muống và nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất.
Thời gian cấp cứu bệnh nhân ngộ độc lá ngón chỉ trong vòng 1h đồng hồ. Nếu phát hiện kịp thời, chúng ta phải giúp gây nôn cho bệnh nhân bằng cách chọc tay vào sâu bên trong cổ họng, hoặc dùng 1 chiếc lông gà ngoáy trong cổ họng. Sau khi gây nôn xong phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ kịp thời như rửa ruột, uống than hoạt tính…
Theo thống kê, tỉ lệ những người miền núi chết vì lá ngón là rất cao. Các vụ tử tự bằng lá ngón chiếm số đông. Khoảng 20 ca chết thì có 6-8 ca tử tự bằng loại lá cây cực độc này.
- Tác dụng
Chữa mụn nhọt, chữa vết thương do ngã hay bị đánh đòn: Tuy là độc nhưng dân gian ta lại kinh nghiệm rằng “lấy độc trị độc”. Lấy nắm lá ngón, đem giã nhỏ đắp ngoài viết thương, hoặc sắc lấy nước rửa vết thương. Tuyệt đối không được uống. Vì lá ngón cực độc nên không được tự ý sử dụng, khi muốn dùng chữa bệnh, các bạn phải hết sức thận trọng.
Trị đau, thoái hóa xương khớp: Lấy khoảng 100-200g lá ngón, đem giã nhuyễn, đắp và xoa bóp vào chỗ khớp, xương bị đau hoặc bị thoái hóa.
Từ xưa lá ngón được coi là loại cây giết người, nên tuyệt đối mọi người không được tự ý thu hái lá ngón. Nếu gia đình có trẻ em sống gần khu vực có loại cây này, cần dặn dò, trông coi trẻ cẩn thận không để ngộ độc lá ngón. Những tác dụng mà chúng tôi chia sẻ khi thực hiện phải hết sức thận trọng, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi để giúp các bạn có thêm thông tin toàn diện về loại cây mà nghĩ đến nó ai cũng thấy sợ. Lá ngón tuy cực độc nhưng bên cạnh đó nó cũng có những tác dụng phải không các bạn?