

Ngô đồng – cái tên nghe thật dân dã khiến nhiều người lầm tưởng đến một loại cây lương thực. Tuy nhiên, loại cây này lại là vị thuốc Nam với nhiều tác dụng. Bài viết xin được chia sẻ những thông tin hữu ích về cây ngô đồng.
Ngô đồng hay còn gọi là cây dầu lai có củ, sen lục bình,vạn linh, sen núi… Tên khoa họclà Jatropha podagrica Hook.f. thuộc họ thầu dầu.
Đặc điểm sinh học của cây ngô đồng
Cây ngô đồng. Cận cảnh hoa và quả ngô đồng.
Ngô đồng là loại cây bụi, chiều cao trung bình từ 40 cm đến 100 cm, thân phình to ở gần gốc như cái lọ, vỏ ngoài xù xì màu trắng bạc, mập mạp, phân nhánh ít. Lá có màu xanh bóng, nhẵn nhụi, đẹp đẽ, phiến lá phân thành thành 3 đến 5 thuỳ to. Cuống lá dài 10 – 20 cm. Mặt dưới lá thường nhạt hơn so với mặt trên.
Hoa ngô đồng mọc thành chùm dày, có độ rộng tới 25 cm, màu đỏ tươi. Về hình dáng chùm hoa, nhiều người nhận định nó giống với cành san hô đỏ. Cuống hoa dài có thể đến 20 cm, thẳng, mập, màu xanh xám.
Cả hoa đực và hoa cái đều có 5 cánh màu đỏ. Hoa cái có thùy nhụy màu xanh lá cây. Bên dưới những vòi nhụy rất ngắn đỡ nhụy là bầu nhụy màu trắng hình củ hành. Hoa đực có bao phấn phủ một lớp phấn màu vàng tươi.
Quả ngô đồng hình bầu dục chia làm ba thùy và thường có 3 hạt. Quả lúc non có màu xanh và khi chín có màu vàng. Quả nang thường nổ mạnh, tung hạt phân tán đi khắp nơi gặp môi trường thuận lợi là nảy mầm, mọc thành cây mới tiếp tục vòng đời của nó.
Khu vực phân bố của cây ngô đồng
Cây ngô đồng có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ. Cây có hình dáng độc đáo, lạ mắt, lá cây xanh tốt quanh năm và cụm hoa độc đáo, lâu tàn. Ở nước ta cây ngô đồng rất được yêu thích, trồng bằng hạt phổ biến từ miền Bắc đến miền Nam.
Cây ưa sáng hoặc sống một phần trong bóng râm. Nếu sống trong môi trường quá râm cây sẽ bị cớm nắng, sinh ra còi cọc, ít phát triển.
Cây ngô đồng
Bộ phận dùng của cây ngô đồng
Cây ngô đồng chỉ sử dụng thân, lá, nhựa làm thuốc. Tuyệt đối không sử dụng quả và hạt cây này bởi trong quả và hạt có chứa độc tính curcin có thể gây ngộ độc, gây bệnh ở gan và hệ tiêu hóa. Thực tế đã xác minh có một số trường hợp trẻ ngộ độc do ăn loại quả đẹp đẽ này.
Công dụng của cây ngô đồng
Những tưởng cây ngô đồng chỉ trồng để làm cảnh nhưng thật không ngờ nó còn có nhiều công dụng chữa bệnh. Sau đây là một số công dụng chính:
- Vỏ cây ngô đồng được dùng làm thuốc tẩy, trị chứng táo bón hoặc nôn ói, giúp lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.
- Lá có tác dụng chữa ghẻ lở, mụn nhọt.
- Trong dân gian, thân và cuống lá ngô đồng còn để trị ho ra máu hoặc chữa sa tử cung cho phụ nữ sau sinh hoặc sinh nở nhiều.
Theo Đông y, cây ngô đồng có tác dụng lớn đến các tế bào bị viêm nhiễm và có nguy cơ mưng mủ nên được dùng với người bị viêm hạch, viêm cơ, viêm tuyến mang tai, mọc nhọt độc…
Cây ngô đồng trong chậu cảnh
Một số bài thuốc từ cây ngô đồng
- Chữa mụn nhọt
– Cách làm: Nếu bị mụn nhọt mới sưng tấy, hãy cắt một búp lá cây ngô đồng cho nhựa chảy ra, rồi bôi rộng lên vùng da bị nhọt. Nên kiên trì bôi nhiều lần, khi vết nhựa khô lại bôi lại lần nữa. Cách này rất có hiệu quả, giúp vết mụn giảm sưng đau, không kết mủ và lành nhanh hơn.
– Cách làm: Trường hợp nhọt sưng to có mủ, hãy lấy 1 – 3 lá ngô đồng tươi rửa sạch, giã nhuyễn cùng với một ít muối rồi đắp lên mụn, sau đó băng cố định lại bằng miếng vải sạch. Mỗi ngày sử dụng cách này 1 lần. Sau 3 – 5 ngày, mủ sẽ tiêu, vết thương nhanh khỏi.
- Trị ghẻ lở lâu ngày
Cách làm: Lấy 1 đến 2 lá ngô đồng rửa sạch (tránh dập lá sẽ bị chảy mất nhựa), sau đó chà lên vùng da bị ghẻ. Kiên trì trong vài ngày các nốt ghẻ hết ngay.
- Chữa sa tử cung
Cách làm: Lấy khoảng 3 cuống lá ngô đồng tươi rửa sau đó giã nát rồi đắp lên chỗ sa tử cung. Cách này cần làm kiên trì để có hiệu quả.
- Chữa ho ra máu
Cách làm: Lấy thân và cuống lá cây ngô đồng sắc chung với nhau, dùng nước này uống trong ngày cơn ho giảm liền.
- Ngừa nhiễm trùng vết thương:
Cách làm: Khi bị những vết thương do ngã, dao cắt… hãy lấy nhựa ngô đồng bôi trực tiếp lên vết thương, cách này giúp cho vết thương không bị nhiễm trùng.
- Thuốc bổ cho nam giới:
Cách làm: Thân cây ngô đồng rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao vàng rồi dùng ngâm rượu làm thuốc bổ cho nam giới.
- Chữa hạch sưng đau
Cách làm: Dùng dao sạch rach một đường vào thân cây ngô đồng, hứng lấy nhựa mủ vào một chiếc chén sạch, sau đó dùng miếng vải hay tăm bông thấm đều rồi bôi nhựa cây vào nơi sưng đau. Nên làm cách này một lần mỗi ngày sẽ có tác dụng rõ rệt. Hãy làm kiên trì trong vài ngày.
- Ngô đồng chữa trị vết thương, lở loét
– Với những người bị lở loét thịt cơ thể do nằm lâu một chỗ không vận động có thể dùng thân cây giã nát rồi đắp lên vết thương, dùng miếng vải sạch hay băng gạc băng lại. Cách này giúp vết thương không bị lan ra và vết loét sẽ mau lành, bớt đau đớn.
Đối với các vết thương bên trong cơ thể thì có thể cắt lát vỏ cây ngô đồng, phơi khô, nấu khoảng 1 nắm với 1 lít nước để uống nhiều lần trong ngày, bệnh sẽ dần khỏi.
Một số công dụng khác của cây ngô đồng:
– Phơi khô vỏ cây ngô đồng, đốt cháy thành than mịn, trộn với dầu có thể dùng để nhuộm đen tóc, chữa bệnh trĩ, lòi dom.
– Rễ ngô đồng còn có thể dùng chữa thấp khớp dạng thấp, lao phổi và nôn ra máu.
– Không những thế cây ngô đồng được coi là “linh mộc” trong tín ngưỡng của người phương Đông. Cây ngô đồng có khả năng sẽ mang lại điều bình yên, may mắn và tốt lành cho gia chủ. Vì thế loại cây này thích hợp trồng làm điểm nhấn trong sân vườn của ngôi nhà hoặc trồng trong chậu trang trí, bàn làm việc, trong phòng khách để mang lại may mắn, phú quý.
Trên đây là những thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn cây ngô đồng cũng như những tác dụng bất ngờ về nó. Sau khi đọc bài viết này, các bạn hãy trang trí cho ngôi nhà của mình bằng những chậu cây ngô đồng tốt cho phong thủy và sức khỏe nhé!