Cỏ Mần Trầu – Cỏ Dại Nhưng Lại Là Thuốc Quý

Cây cỏ mần trầu còn có tên gọi khác là ngưu cân thảo, tất suất thảo, sam tử thảo, cỏ chỉ tía, cỏ vườn trầu, cỏ bắc… Đây là một loại cây cỏ mọc hoang dại khắp nơi, nhưng hóa ra loại cỏ dại này lại là một vị thuốc quý.

Đặc điểm cỏ mần trầu

  • Cỏ mần trầu còn được gọi là ngưu cân thảo, tất suất thảo, sam tử thảo, cỏ chỉ tía, cỏ vườn trầu, cỏ bắc, cỏ dáng… có tên khoa học là Eleusine indica (L.) Gaertn, thuộc họ Lúa.
  • Cỏ mần trầu là loài cây thảo sống hàng năm, cao 15 – 90cm, có rễ mọc khỏe, thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5 -7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1 – 2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có ba cạnh. Cây ra hoa từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm.
  • Cỏ mần trầu mọc hoang dại khắp nơi, từ các tỉnh đồng bằng cho tới các tỉnh trung du, miền núi, từ các tỉnh miền Bắc tới các tỉnh miền Nam…. đều có thấy loài cỏ này.
  • Cỏ mần trầu thường được dùng làm thức ăn cho gia súc bởi chúng là loài cỏ nhiệt đới, mọc phổ biến ở nhiều nơi, thường gặp ở bờ ruộng, bãi hoang, ta cũng có thể gặp rất nhiều ở 2 ven đường.

Cỏ mần trầu tuy mọc dại ở hai bên đường nhưng lại là loại thuốc quý

Cỏ mần trầu – vị thuốc quý tự nhiên

  • Mần trầu dùng toàn cây tươi hay khô đều được. Theo y học cổ truyền, cỏ mần trầu có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, không độc, có tác dụng bổ huyết, hành huyết, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, mát gan, hạ sốt và sốt rét. Dùng ở các trường hợp hư tổn, chướng bụng, tiểu tiện không thông, phong thấp, sốt rét, sốt, gan nóng, huyết áp cao, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực quá độ dẫn đến mệt nhọc… Ngoài ra cỏ mần trầu còn có tác dụng giúp tóc óng mượt, giảm gàu, hết rụng tóc.
  • Không chỉ người Việt Nam thích dùng các bài thuốc dân gian từ cỏ mần trầu mà nhiều nước khác ở khu vực châu Á và châu Nam Mỹ cũng dùng loại cây này trị bệnh:

+ Ở Malaysia, nước ép cỏ mần trầu được dùng cho phụ nữ sau khi sinh để mau hết sản dịch và dùng cho các bệnh nhân hen suyễn.

+ Người Philippin thì dùng cỏ mần trầu làm thuốc lợi tiểu, chữa kiết lỵ, gội đầu sạch gàu, chống rụng tóc bằng nước sắc từ cỏ mần trầu.

+ Người dân Bangladesh thì dùng rễ mần trầu kết hợp với một số loại cây khác để điều trị sa tử cung.

+ Ở Sri Lanka người ta lại dùng cỏ mần trầu giã nhỏ đắp lên da để trị bong gân.

+ Còn dân Venezuala thì dùng cỏ mần trầu để nấu nước tắm cho trẻ sơ sinh nhằm trị chứng vàng da.

Cỏ mần trầu có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc, có tác dụng bổ huyết, thanh nhiệt, giải độc, mát gan

  • Cuốn sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi có viết: Cỏ mần trầu là vị thuốc mát, có tác dụng ra mồ hôi, chữa sốt rét, làm mát gan. Nhờ thế, chúng thường được dùng để trị mụn nhọt, rôm sảy, thanh nhiệt mùa hè, thoát mồ hôi làm sạch da, trị trứng cá, sốt cao, co giật… Vì vậy để chữa hôn mê, giải nhiệt, có thể nấu cỏ mần trầu tươi hoặc khô, kết hợp với nhân trần làm nước uống hoặc dùng chung với rễ cây cỏ tranh. Trong trường hợp mẩn ngứa, nổi mụn nên giã cỏ tươi, vắt nước cốt để uống. Còn người dân quê dùng mần trầu nấu chung với hương nhu, bồ kết gội đầu để bóng mượt, ngăn rụng tóc.
  • Tuy một số nước châu Mỹ đang phàn nàn vì cỏ mần trầu có khả năng kháng thuốc diệt cỏ, gây phiền nhiễu trong các trang trại trồng lạc nhưng chúng vẫn được các nhà thuốc Đông y ưa dùng.

Một số bài thuốc cỏ mần trầu

  1. Chữa cao huyết áp:

Nhổ toàn cây, cả rễ sau đó rửa sạch, thái nhỏ. Cân 500g cỏ mần trầu, giã nát. Đổ thêm sau đó một chén nước đun sôi để nguội, vắt lấy nước cốt. Lọc lấy nước, có thể cho thêm chút đường cho dễ uống, chia 2 lần uống trong ngày.

  1. Chữa ho khan, lao phổi, lao lực mệt nhọc, sốt âm ỉ về chiều, tiểu ít, nước tiểu vàng:

Sắc 40g cỏ mần trầu cùng 200ml nước. Uống một lần trong ngày.

  1. Cho phụ nữ có thai người nóng dẫn đến táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực:

Ngày sắc 12 – 16g cỏ mần trầu khô cùng 300ml nước, ngày uống 2 -3 lần.

  1. Trẻ con mọc mụn nhọt, sốt cao, sốt xuất huyết, người mọc rôm sảy, ban đỏ, xuất hiện tưa lưỡi:

Lấy 120g cỏ mần trầu tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống.

  1. Nóng trong người, tiểu gắt và vàng, da mẩn đỏ:

40g cỏ mần trầu sắc uống trong ngày, có thể thêm 20g rễ cỏ tranh sắc chung. Uống trong ngày.

Cỏ mần trầu khô thường được dùng trong các bài thuốc Đông y

  1. Bài thuốc có cỏ mần trầu chữa bệnh tóc bạc sau được đồng bào dân tộc Dao ở Hà Giang sử dụng rất hiệu nghiệm:

Thuốc uống: Cỏ mần trầu 10g, rễ khúc khắc 25g, vỏ thân cây ngũ ga bì 15g, vỏ thân đỗ trọng 15g, rễ cam thảo 5g, cả cây nhân trần 5g. Về mùa đông, thêm 2g gừng nóng. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc uống sau bữa ăn chính khoảng 15 phút, uống trong một ngày. Kiêng chất tanh, chất kích thích, cà chua, rau muống. Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh không được dùng.

  1. Chữa tóc khô cứng, dễ gãy, đổi màu:

Lấy cỏ mần trầu 40 – 50g, nấu sôi kỹ lấy nước gội đầu hàng ngày. Sau 2 tuần thấy chuyển biến rõ. Sau 1 tháng tóc mọc đen đều mềm mượt.

  1. Băng huyết:

Cây muồng trâu thái nhỏ, cỏ mần trầu, cỏ mực, rau má, cam thảo nam, cây ké, rễ nam mỗi thứ 1 nắm, ngải cứu 10 lá, củ sả 10 lát, gừng sống 10 lát, vỏ quýt 1 vỏ. Đổ ngập nước sắc còn 2 bát, chia 2 lần uống trong ngày.

  1. Chữa đại tiện ra máu đen do chảy máu dạ dày:

Cỏ mần trầu, cam thảo nam muồng trâu (cành lá), rễ tranh (sao đen), cây ké, trắc bá diệp, rau má mỗi thứ 1 nắm, cỏ mực 2 nắm, gừng sống 3 lát, ngải cứu 9 lá, củ sả 5 lá, than tóc rối 2 muỗng, lọ nồi chảo gang (bách thảo sương) 1 muỗng canh. Đổ ngập nước sắc làm 2 bát chia 2 lần, tiếp tục sắc nước 2. Tất cả đều uống trong ngày.

Lưu ý khi sử dụng cây cỏ mần trầu: Cây khô chú ý bảo quản, tránh ẩm mốc.

Tuy cỏ mần trầu là loài cỏ dại mọc hoang, rất phổ biến tưởng như không có gì nổi bật nhưng không thể phủ nhận công dụng và những lợi ích vô cùng thiết thực mà loài cây tự nhiên này mang lại cho chúng ta.

Bài viết liên quan