

Đỗ quyên là một loại hoa cảnh được rất nhiều người yêu thích và được chọn để trồng trong gia đình. Thông thường đỗ quyên mọc nhiều ở vùng cao, khí hậu mát mẻ. Không chỉ dùng để làm cảnh, loài hoa này còn dùng đề tạo ra những bài thuốc rất có ích cho con người.
Hoa đỗ quyên là hoa gì?
Đỗ quyên là dạng cây bụi rụng lá, cao khoảng 2 mét, phân thành nhiều cành nhánh nhỏ, mọc đứng, vỏ màu xám đen. Lá đỗ quyên mỏng, dạng bầu dục hoặc hình quả trứng ngược, mùa xuân là ngắn hơn mùa hè. 3 đến 5 cm là chiều dài trung bình của lá, rộng từ 2 đến 3cm, đầu nhọn, gốc hình nêm và trên mặt có lông thưa. Cuống lá thường dài 3 – 5mm, nhiều lông.
Hoa Đỗ Quyên
Hoa đỗ quyên xếp thành tán từ 2 đến 6 bông ở cành ngọn. Đài hoa dài 4mm, có 5 thùy và nhiều lông tơ. Hoa có màu hồng hoặc màu đỏ tươi, đỏ thẫm, hình phễu rộng, dài từ 4 đến 5cm. Hoa có 10 nhị, bầu lông thô. Vòi nhụy không có lông. Quả nang hình trứng tròn, dài tầm khoảng 8mm, đầy lông thô.
Cây đỗ quyên thường mọc trong rừng và ra hoa từ tháng 2 đến tháng 4, quả chín từ tháng 8 đến tháng 10.
Đỗ quyên phân bố nhiều ở Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, các tỉnh có đỗ quyên mọc tự nhiên gồm Lào Cai (dãy Hoàng Liên Sơn), Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc (núi Tam Đảo)…
Đỗ quyên là loại cây ưa sáng và hơi chịu bóng, thường mọc lẫn trong các quần xã rừng kín thường xanh từ lưng chừng núi đến đỉnh, ở vùng núi đá vôi hay granit. Ở nơi có đỗ quyên mọc, các cây gỗ thường thấp, quanh năm có sương mù, ẩm và lạnh kéo dài về mùa đông.
Đỗ quyên sinh trưởng chậm, phân cành và ra hoa quả nhiều hàng năm. Thời gian ra hoa có thể kéo dài đến 1 tháng. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt, có thể trồng bằng dâm hay chiết cành. Người ta sử dụng chất kích thích để rễ ra nhanh. Đỗ Quyên là cây cảnh quý hiếm hiện nay.
Hoa Đỗ Quyên nhiều màu, đẹp và quyến rũ. Các nhà kinh doanh cây cảnh và giới chơi cây cảnh rất yêu chuộng. Một số loài Đỗ Quyên đang ở bên bờ tuyệt giống vì những sở thích cá nhân và cả về giá trị kinh tế của cây hoa. Do đó, có một số loài đã trở nên cực hiếm, cần chú ý để bảo vệ.
Đỗ quyên có ý nghĩa gì?
Hoa Đỗ Quyên là hoa báo xuân nở đúng dịp Xuân về, gồng mình khoe sắc cho đến ngày phai sắc thắm. Ngắm chậu hoa Đỗ Quyên đỏ tươi làm lòng người ấm áp và tràn đầy hạnh phúc tròn đầy nên hoa thường được dùng làm hoa tết trang trí.
Hoa Đỗ Quyên còn tượng trưng cho tình cảm son sắt, chung thủy với ngụ ý “nhớ chăm sóc, giữ gìn sức khỏe nhé”. Ngoài ra xuất phát từ điển tích Tiên Ông cảm động trước tình cảm chờ đợi của đôi vợ chồng lạc mất nhau là hoa Đỗ và chim Quyên trở thành biểu tượng của sự thủy chung giữa vợ chồng.
Hoa Đỗ Quyên mang rất nhiều ý nghĩa
Thành phần hóa học của đỗ quyên
Lá đỗ quyên chứa flavonoid, rhodotoxin và sparassel. Trong hoa có chứa rhodomollin III, caroten-5,6-epoxid, lutein, gossypetin-6-galactosid, lycopen và 2 chất độc andromedotoxin, ericolin. Quả chứa rhododendrotoxin I, II, rhodojaponin I, andromedotoxin, ericolin, sparassol. Toàn cây đỗ quyên có 3 diterpen là rhodomolein I, II, III.
Cây đỗ quyên còn mang vị đặc trưng riêng của nó:
- Hoa đỗ quyên có vị chua, ngọt, tính ấm giúp hòa huyết, điều kinh, khư phong thấp. Hoa thu hái vào mùa xuân.
- Lá đỗ quyên có vị chua, ngọt, tính bình giúp giải độc, thanh nhiệt, chỉ huyết. Lá thu hái vào mùa hè thu.
- Rễ đỗ quyên có vị chua, ngọt, tính ấm, tác dụng hòa huyết chỉ huyết, khư phong chỉ thống. Rễ có thể thu quanh năm.
Hoa đỗ quyên trong Đông Y
Trong Đông y, người ta dùng tươi hoặc phơi khô hoa, lá, rễ, hạt đỗ quyên làm thuốc. Đỗ quyên giúp chữa bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, bế kinh, băng lậu…
Ngoài ra, chúng còn trị phong thấp sưng đau, trĩ xuất huyết, đòn ngã tổn thương, thổ huyết, chảy máu mũi, trị mụn nhọt sưng lở, ngoại thương xuất huyết, mề đay. Đỗ quyên cũng có tác dụng giảm đau, tác dụng đối với hệ tim mạch, làm giảm nhịp tim, hạ huyết áp.
Các bài thuốc từ đỗ quyên
Vết thương ngoài mắt sưng đỏ
Lấy một lượng vừa đủ của hoa và lá đỗ quyên non. Rửa sạch, giã nát, thêm chút sữa mẹ, dùng để đắp ngoài chỗ đau.
Đòn ngã buốt đau
Lấy 10 g hạt đỗ quyên rang giòn, tán thành bột. Mỗi lần uống 1,5 g cùng với nước gạo hoặc uống cùng rượu trắng.
Bạch đới
15g rễ đỗ quyên, 15g rễ hàm ếch, đem sắc nước, bỏ bã để uống. Dùng nước thịt lợn luộc uống với thuốc. Mỗi ngày dùng một thang, liên tục trong 3 đến 5 ngày.
Ngoại thương xuất huyết
Sử dụng lượng vừa đủ hoa và lá đỗ quyên tươi, giã nát đắp ngoài vết thương.
Mề đay
Mang một lượng vừa đủ hoa và lá đỗ quyên tươi cùng với vị thuốc ké đầu ngựa, thiên lý quang. Tất cả đem sắc lấy nước để rửa ngoài vùng da nổi mày đay.
Kinh nguyệt không đều, nước kinh trong đặc, lưng bụng đau buốt
30g rễ đỗ quyên, 30g hải kim sa, 15 g Ô dược. Tất cả đem sắc nước uống trước kỳ kinh 5 ngày. Uống liên tục trong 3 đến 5 ngày. Mỗi ngày chỉ dùng một thang.
Một số bài thuốc khác
- Viêm phế quản mãn tính: Dùng 60g hoa hoặc lá đỗ quyên đỏ. Mang đi ngâm trong 500ml rượu trắng. Sau 7 ngày có thể sử dụng. Mỗi ngày uống 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 10 đến 15ml (khoảng 2 đến 3 thìa cà phê).
- Dị ứng, mẩn tịt: Dùng lá đỗ quyên tươi nấu cùng nước để tắm.
- Viêm ruột, kiết lỵ: Dùng 10g rễ đỗ quyên sắc nước uống trong ngày.
- Phong thấp, chân tê yếu: Rễ đỗ quyên đỏ, hà thủ ô, ba kích, ngũ gia bì, thỏ ty tử, uy linh tiên. Mỗi loại từ 12 đến 20g. Sắc nước uống trong ngày.
- Chảy máu cam: Dùng 15-30g hoa hoặc dùng lá đỗ quyên tươi sắc nước uống.
- Đinh nhọt sưng: Giã nát đọt hoặc lá đỗ quyên non để đắp lên chỗ bị nhọt. Có thể dùng phối hợp với lá trắc bách diệp tươi lượng bằng nhau, giã nhuyễn, hòa vào lòng trắng trứng gà hoặc mật ong. Rồi đắp vào chỗ bị nhọt thì tác dụng sẽ tốt hơn.
- Nấm tóc: Dùng 60g hoa đỗ quyên, 30g hoa trầu. Phơi khô cả hai loại, tán bột, trộn với dầu bôi lên vùng bị nấm.
Đỗ Quyên xuất hiện nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh
Cách trồng và chăm sóc đỗ quyên
Cây đỗ quyên ưa chuộng khí hậu mát mẻ. Cây rất sợ nắng và nơi không thoát nước. Do đó mà đỗ quyên còn được gọi là họ cây khô, vì thế nên trồng cây dưới bóng của các cây khác vào mùa hè, tránh ánh nắng nóng trực diện của mùa hè.
Nếu trồng đỗ quyên trong chậu : 1 ngày tưới nước 1 lần nhưng chú ý nếu đất ẩm thì không cần phải tưới.
Chế độ phân bón dinh dưỡng: bón phân 1 tháng 1 lần. Nên sử dụng các phân có nguồn gốc từ động vật ăn thực vật: phân bò, phân gà…. Vì vừa có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cây vừa có tác dụng cải tạo đất.
Vừa để làm cảnh lại vừa có nhiều tác dụng trong chữa trị bệnh lý cho con người. Đỗ quyên xứng đáng là loại cây cảnh được trồng thường xuyên trong nhà. Tuy nhiên, vì trong đỗ quyên cũng có chứa một lượng độc tính. Cho nên người dùng nên sử dụng đúng liều lượng đỗ quyên để tránh những điều không mong muốn.