Hương phụ (cỏ gấu)- Vị thuốc quý từ cây cỏ dại

Có những loại cây, bài thuốc quý rất gần gũi mà đôi khi chúng ta không quan tâm. Hương phụ hay cò gọi là cỏ gấu là một loài cây, một loại thuốc như vậy. Bài viết này xin được chia sẻ với các bạn về công dụng và những bài thuốc từ hương phụ nhé!

Đặc điểm của hương phụ

Hương phụ còn có tên thông thường khác là cỏ gấu, củ gấu, cỏ ấu, sa thảo, người Thái gọi là nhả khuôn mu, người Dao gọi là tùng gáy thật mía. Tên gọi hương phụ vì củ có mùi hương tỏa ra. Hương phụ thường mọc ở nơi bờ mương, bờ ruộng, vườn. Mầm hương phụ được mọc từ củ, gặp mưa sẽ tốt tươi. Đặc điểm đẻ nhanh, lan rộng, dễ trồng, không cần phải chăm bón.

Hương phụ là cây sống lâu năm, mọc thành khóm, thuộc họ cói, cao khoảng 20-30 cm. Thân rễ phình thành củ ngắn, vỏ củ màu đen, thịt có màu trắng ngà hoặc nâu, có mùi thơm dễ chịu. Lá hương phụ dài, hẹp, nhọn, chẽ ra 3 cạnh, có bẹ. Trên ngọn cây khi già có 3-8 cụm hoa hình xám nâu, hoa lưỡng tính. Mọc hoang dã khắp nơi, có sức tái sinh mạnh mẽ, rất khó trừ diệt, vì củ nằm sâu trong lòng đất.

Thu hoạch hương phụ thường là vào mùa thu, đào cả gốc để lấy củ, rửa sạch, phơi khô, đem chất đống đốt lá và dễ để lấy củ chế biến các bài thuốc quý.

Cây hương phụ

Củ hương phụ

Củ gấu( hương phụ) được làm sạch, sấy khô

Thành phần hóa học

Hương phụ chứa thành phần tinh dầu với tỉ lệ 32% cyperen, b-selinen,49%-cyperol, còn có a-cyperol, cypenrolen, patchoulennon cyperotundon. Cỏ gấu còn chứa dầu béo glycerol và các acid linoleic, oleic, myristic chất không xà phòng hóa 22,8%.

Tác dụng dược lí

Tác dụng dược lí đã được nghiên cứu theo Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức và Lưu Thiệu Quang( 1935, Trung Hoa y học tạp chí tập 1, kì 2: 148-156) đã dùng hương phụ nguồn gốc ở tỉnh Quảng Đông chế thành cao lỏng 5%, tiến hành thí nghiệm 102 lần ở trên tử cung cô lập của thỏ, mèo và chuột bạch đã chứng minh, hương phụ có khả năng ức chế sự co bóp của tử cung, làm dịu sự căng thẳng của tử cung, làm cho cơ tử cung dịu lại.

Theo Đông y, hương phụ có vị cay, hơi đắng, ngọt. Có tác dụng lí khí, giải uất, điều kinh, chỉ thống (làm hết đau). Chữa được các loại bệnh khí uất, ngực bụng chướng đau. Dùng chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ thường gặp trước và sau sinh nở, đau dạ dày do thần kinh, chữa các bệnh về đường tiêu hóa, ức chế co bóp tử cung, an thần…

Một số bài thuốc chế biến từ hương phụ

  1. Trị khí nhiệt bốc lên đầu:
  • Biểu hiện bệnh: Các chứng đau đầu, đau nửa đầu, hoa mắt, chóng mặt khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm việc. Hương phụ sẽ là liều thuốc quý nhất đẩy lùi các cơn đau, cho bạn một tinh thần thoải mái.
  • Liều dùng: Hương phụ cạo sạch vỏ, cho vào nước nấu qua 1 lúc, đem giã giập, phơi khô, sao vàng. Sau đó đem tán bột, hoàn với mật ong, viên lại bằng đầu đạn. Mỗi lần uống 1 viên với nước nóng sẽ khỏi.
  1. Trị đau dạ dày do thần kinh:
  • Đau dạ dày, kém ăn, khó tiêu, buồn nôn, chướng bụng.
  • Liều dùng: Hương phụ 6g, sa nhân 3g, mộc hương 5g, chỉ thực 6g, đậu khấu nhân 5g, hậu phác 10g, hắc hương 5g, bạch truật 10g, trần bì 10g, phục linh 10g, cam thảo 3g, sinh hương 10g, táo 5 quả. Tất cả đem sắc, lấy nước uống. Uống liên tục 3 thang bệnh sẽ thuyên giảm.
  1. Trị chứng nôn khan ốm nghén, động thai: Hương phụ 80g, hắc hương 8g, cam thảo 8g. Tất cả đem tán bột, mỗi lần uống 8g, trộn đều với nước sôi và pha thêm chút muối.
  2. Trị sa trực tràng (lòi rom): Hương phụ, kinh giới tuệ, hai vị tỉ lệ bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 8g, bên ngoài lấy hương phụ, kinh giới nấu lên để rửa vệ sinh hàng ngày, trực tràng sẽ co lại.
  3. Trị khai uất, điều kinh: Hương phụ ngâm với giấm, rượu, nước tiểu trẻ em. Sau đó đem sao khô, nghiền thành bột mịn làm hoàn, uống với nước ấm. Khí huyết lưu thông, tính tình hài hòa trở lại.
  4. Trị kinh nguyệt không đều: Hương phụ sao 9g, ích mẫu thảo 20g, đường đỏ 20g. Đem ích mẫu và hương phụ nấu trước, khi sôi đều, lọc bỏ bã, thêm đường vào uống liên tục 3-5 ngày sẽ điều hòa trở lại.
  5. Trị đau bụng kinh: Hương phụ, ngải điệp, trần bì đều 15g, nguyệt quỳ hoa 2 đóa, sắc uống.
  6. Trị mộng tinh lâu ngày không khỏi: Hương phụ 500g, phục thần (hoặc phục linh) 180g. Đem hương phụ ngâm với nước vo gạo 1 đêm, vớt ra, bỏ rễ. Lại ngâm với rượu, đồng tiện, nước muối, sữa bò, nước đậu đen 1 đêm. Lấy tất cả sấy khô, cho phục thần vào, tán thành bột, trộn với mật ong làm thành hoàn 10g, mỗi buổi tối uống 1 hoàn với nước muối pha loãng.
  7. Trị đau bụng kinh, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở:
  • Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải diệp 10g, nhân trần 15g, đổ 500ml nước sắc còn 150ml, uống mỗi ngày 1 thang.
  • Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải cứu 6g, bạch đồng nữ 8g, thêm 300ml nước, đun sôi trong nửa giờ. Thêm đường vào cho ngọt, uống trong ngày. Nếu bạn muốn điều hòa kinh nguyệt thì nên uống đón kinh khoảng 10 ngày trước ngày dự tính.
  • Chế biến cao hương ngải chữa bệnh phụ khoa ở phụ nữ: Hương phụ, ngải cứu, ích mẫu, lá bạch đồng nữ, mỗi thứ 10g, thêm nước sắc kĩ , cô lại còn 10ml, thêm đường cho ngọt. Đóng vào ống 10ml, hàn và hấp tiệt trùng bằng cách đun sôi trong 1 giờ. Ngày uống từ 3-6 ống. Uống liên tục từ 2-3 tháng mới có hiệu quả.

Một số món ăn chữa bệnh cơ hương phụ:

  1. Canh bí đao hương phụ:
  • Công dụng: Dùng trong trường hợp nhiễm độc thai nghén, phù nề.
  • Cách chế biến: Hương phụ 12g, bí đao 500g. Bí đao gọt vỏ thái lát cùng hương phụ đem nấu canh, thêm gia vị thích hợp. Ăn ngày 1 lần liên tục trong 5-10 ngày.
  1. Thịt bò hầm ngải cứu, hương phụ:
  • Công dụng: Trị chứng rối loại kinh nguyệt, đau bụng dưới.
  • Cách làm: Thịt bò 250g, ngải cứu 12g, diên hồ sách 12g, hương phụ, thịt bò làm sạch, thái lát, tất cả cho vào túi vải xô, thêm gừng tươi 20g gọt vỏ, đập giập. Tất cả cho vào nồi, nêm nước, đun nhỏ lửa cho đến khi chín nhừ, bỏ túi bã thuốc, thêm gia vị vừa ăn. Ăn liên tục trong 5-7 ngày.

Hương phụ thực sự là một vị thuốc quý phải không các bạn? Hương phụ rất dễ chế biến thành những thang thuốc hiệu quả đối với sức khỏe con người. Nếu trong nhà bạn có cây hương phụ, hãy tham khảo những bài thuốc mà chúng tôi chia sẻ nhé!

Bài viết liên quan